Được sự đồng ý chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Ninh Bình, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, Hội Truyền thông số Việt Nam và Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình phối hợp tổ chức Ngày Hội Dữ liệu Quốc gia Datafest 2024.
VIETNAM DATAFEST một trong những sự kiện quốc gia về Dữ liệu số trong công cuộc phát triển đất nước với định hướng theo Chương trình Chuyển đổi số quốc gia. Chương trình được tổ chức thường niên với sự tham gia của nhiều đơn vị trong nước, hướng đến mục tiêu thúc đẩy các quan hệ hợp tác công – tư trong triển khai các chương trình, nhằm khai thác có hiệu quả các nguồn dữ liệu với các công nghệ dữ liệu hiện đại; thúc đẩy nghiên cứu và phát triển dựa trên dữ liệu, và đặc biệt là văn hoá số dựa trên dữ liệu. Từ đó tận dụng và khai thác hiệu quả các nguồn lực nhằm giải quyết các thách thức của quá trình thúc đẩy hội nhập trong phát triển CMCN 4.0 và hiện thực hoá Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, hướng đến mục tiêu một Việt Nam “Số” thực sự vào năm 2045.
Năm 2024, chương trình rất vinh dự và đáng tự hào khi Tỉnh Ninh Bình đã rất quan tâm đến chương trình, thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tại Ninh Bình trên mọi mặt. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của thường trực Tỉnh ủy, Ủy Ban nhân dân Tỉnh đã ban hành kế hoạch phối hợp cùng Ban tổ chức chương trình tổ chức diễn đàn Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình năm 2024
Chính vì vậy, chủ đề của DataFest năm nay – ” CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU CHO PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO & THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ NINH BÌNH” – không chỉ phản ánh xu hướng công nghệ toàn cầu mà còn đáp ứng nhu cầu cấp thiết của Trung ương và địa phương trong hành trình chuyển đổi số.
Dự Diễn đàn có các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình; Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Tống Quang Thìn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam.
Cùng dự có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, các hiệp hội, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, diễn giả Trung ương; lãnh đạo HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, doanh nghiệp tiêu biểu trong tỉnh; Sở Thông tin và Truyền thông một số tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, đồng chí Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định: Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã xác định chuyển đổi số đóng vai trò quan trọng trong phát triển đất nước, phát triển kinh tế-xã hội. Trong đó, dữ liệu được xác định là một tài nguyên của đất nước, là tư liệu sản xuất mới quan trọng. Công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản trong kỷ nguyên số. Dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số là những từ khoá quan trọng trong phát triển giai đoạn tới, là cơ hội để chúng ta thay đổi, bứt phá, vượt khỏi giới hạn, mở rộng không gian phát triển
Đồng chí bày tỏ vui mừng khi Diễn đàn được tổ chức tại Ninh Bình, điều này thể hiện sự quan tâm của tỉnh Ninh Bình cho chuyển đổi số và tin tưởng rằng với sự vào cuộc của người đứng đầu, công cuộc chuyển đổi số ở Ninh Bình sẽ thành công.
Đồng chí nhấn mạnh: Ninh Bình cần tận dụng tối đa chuyển đổi số để tăng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP bởi Ninh Bình có rất nhiều tài nguyên có thể số hoá, từ truyền thống lịch sử tới danh lam thắng cảnh, văn hoá truyền thống, sản vật địa phương. Tất cả có thể được số hoá đưa lên môi trường số, làm nguyên liệu để phát triển kinh tế số.
Tại Diễn đàn, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã giới thiệu những nét khái quát về truyền thống lịch sử văn hoá, cảnh quan thiên nhiên, tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Ninh Bình.
Trong đó nhấn mạnh: Từ năm 2022, Ninh Bình đã vươn lên là tỉnh tự cân đối ngân sách và có điều tiết một phần về Trung ương. Tỉnh Ninh Bình đã và đang thực hiện nhất quán, hiệu quả chiến lược theo hướng phát triển “xanh, bền vững và hài hòa”; lấy du lịch và công nghiệp văn hóa làm mũi nhọn, lấy công nghiệp công nghệ cao làm động lực, trụ cột là công nghiệp cơ khí ô tô hiện đại; lấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo làm đột phá; lấy nông nghiệp sinh thái, đa giá trị làm trụ đỡ. Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Ninh Bình được định hướng đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.
Đồng chí cũng cho biết: Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là trụ cột cốt lõi cho định hướng chiến lược phát triển tỉnh Ninh Bình đến năm 2035 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo. Những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã không ngừng nỗ lực chuyển đổi số. Vì vậy, để chuyển đổi số toàn diện ở Ninh Bình là thực sự cần thiết khi lựa chọn mô hình phát triển dựa trên nền tảng các ngành kinh tế mới nổi, dựa trên đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, theo đó không chỉ thay đổi chuyển đổi số mà thay đổi căn bản phương thức sản xuất, quản trị xã hội.
Diễn đàn “Chiến lược dữ liệu cho phát triển trí tuệ nhân tạo và thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình” chính là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp gặp gỡ, cùng nhau trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, giải pháp, sáng kiến hay về chuyển đổi số. Đây cũng là dịp để các cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cùng tìm ra các định hướng, chiến lược, giải pháp cho phát triển dữ liệu, ứng dụng công nghệ số thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, trong đó có tỉnh Ninh Bình diễn ra mạnh mẽ, hiệu quả hơn…
Sau nội dung khai mạc, trong ngày 24/10, diễn ra các diễn đàn và hội thảo trọng điểm:
- Diễn đàn Sáng 24/10/2024: “CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU CHO PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO & THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ NINH BÌNH” với sự chủ trì của các lãnh đạo cấp cao:
- Ông Đoàn Minh Huấn – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình
- Ông Phan Tâm – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
- Ông Tống Quang Thìn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình
- Ông Phan Xuân Dũng – Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam
Diễn đàn tập trung vào hai chuyên đề lớn:
-
- Chuyên đề 1: Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng AI
Trong bối cảnh dữ liệu đang trở thành tài nguyên quý giá của thế kỷ 21, chuyên đề tập trung vào việc xây dựng chiến lược quản lý và khai thác dữ liệu cho ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Các báo cáo đi sâu vào phân tích cách mà dữ liệu được tổ chức và xử lý để hỗ trợ AI, từ đó giúp doanh nghiệp và chính phủ tối ưu hoá hoạt động, cải thiện hiệu suất và đưa ra những quyết định nhanh chóng, chính xác dựa trên dữ liệu. Một số
Việc áp dụng AI sẽ giúp Ninh Bình không chỉ cải thiện các dịch vụ công mà còn có khả năng tự động hóa nhiều quy trình trong quản lý và phát triển kinh tế. Diễn đàn đã đưa ra các khuyến nghị cụ thể về việc xây dựng chiến lược dữ liệu phù hợp với địa phương.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe các tham luận
- Vai trò của dữ liệu trong Chiến lược Dữ liệu Quốc gia đến năm 2030 (Ông Nguyễn Trọng Khánh – Cục Chuyển đổi số Quốc gia)
- Triển khai hạ tầng dữ liệu và nhu cầu ứng dụng AI trong Y tế (Ông Nguyễn Trường Nam – Bộ Y tế)
- Xây dựng nền tảng kiến trúc dữ liệu cho phân tích và dự đoán (Ông Nguyễn Mạnh Hà – Viettel)
- Trí tuệ nhân tạo: Cơ hội và Thách thức trong bối cảnh mới (Ông Đỗ Tiến Thịnh – Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia)
Trong đó, tham luận về “Vai trò của dữ liệu, định hướng, giải pháp phát triển của Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2023”, ông Nguyễn Trọng Khánh, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Dữ liệu của Việt Nam mở ra không gian hoạt động và phát triển mới cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số; cơ bản phản ánh đầy đủ mọi mặt hoạt động kinh tế-xã hội trên môi trường số và là nhân tố thúc đẩy tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo cho tiến trình chuyển đổi số thành công, đưa Việt Nam trở thành quốc gia số an toàn. Dữ liệu góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, đưa Việt Nam vượt qua mức thu nhập trung bình thấp, đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và đạt mức thu nhập cao vào năm 2045. Tham luận cũng đưa ra khuyến nghị với tỉnh Ninh Bình cần tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình làm đầu mối thực hiện nhiệm vụ phát triển dữ liệu, chịu trách nhiệm tư vấn các vấn đề về dữ liệu cho UBND, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của địa phương; triển khai xây dựng, củng cố cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu và thu thập, làm giàu dữ liệu lớn cho địa phương; là cơ quan đầu mối quản lý, theo dõi giám sát việc khai thác sử dụng hiệu quả dữ liệu của địa phương và kết nối liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia.
Xây dựng, củng cố hạ tầng dữ liệu của địa phương. Xây dựng các cơ sở dữ liệu của địa phương song hành với triển khai các nền tảng số dịch vụ công. Xây dựng các nền tảng số phân tích, xử lý dữ liệu phục vụ việc thu thập, tổng hợp, phân tích dữ liệu trên cơ sở kế thừa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã triển khai tại địa phương đảm bảo tránh đầu tư trùng lặp, tận dụng được tối đa nguồn dữ liệu sẵn có, phục vụ khai thác hiệu quả dữ liệu và cung cấp thông tin về tình hình chính trị, kinh tế, xã hội trong phạm vi quản lý của địa phương. Đồng thời, Ninh Bình cần chủ động huy động nguồn lực và lồng ghép các hoạt động liên quan của các chương trình khác trên địa bàn để đạt được các mục tiêu của Chiến lược.
Chuyên đề 2: Thúc đẩy Chuyển đổi số tại Ninh Bình
Dưới sự chủ trì và điều hành các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Ninh Bình; Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Tống Quang Thìn, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình; Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Diễn đàn Viet Nam DataFest 2024 đã tiến hành phiên chuyên đề về “Thúc đẩy chuyển đổi số Ninh Bình”.
Báo cáo tổng quan chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình năm 2024 do Sở Thông tin và Truyền thông trình bày đã cho thấy: Trong giai đoạn 2021-2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-TU về xây dựng Chính quyền điện tử, chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh cũng đã xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện Nghị quyết, đề ra các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ và lộ trình cụ thể, đảm bảo thực hiện chuyển đổi số đồng bộ trên cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Nhận thức về chuyển đổi số của các cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét. Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông thiết yếu phục vụ chuyển đổi số được chú trọng đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại; các ứng dụng, nền tảng số trọng yếu của tỉnh được xây dựng, khai thác, vận hành ổn định, hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở, được kết nối với các hệ thống thông tin của Bộ, ngành Trung ương.
Công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng đã được triển khai theo mô hình 4 lớp, được kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng Quốc gia. Các nhiệm vụ, mô hình của Đề án 06 đã và đang được các cấp, các ngành, địa phương triển khai nghiêm túc, hiệu quả, đáp ứng mục tiêu, lộ trình đề ra.
Tại Diễn đàn, các đại biểu nghe các tham luận:
Báo cáo tổng quan chuyển đổi số tỉnh Ninh Bình năm 2024 – Ông Đoàn Thanh Hải – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình
Thúc đẩy triển khai chuyển đổi số ở các trụ cột đột phá của Ninh Bình-Tầm nhìn và khuyến cáo lộ trình – PGS. TS Hoàng Hữu Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số
Đề xuất các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nhằm thúc đẩy kinh tế số tại địa phương – Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số lĩnh vực cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Tập đoàn VNPT
Phát triển công nghiệp văn hoá (du lịch và di sản) dựa trên chuyển đổi số và chuyển đổi xanh – Ông Đỗ Nam – Giám đốc Công nghệ Phygital Labs
Cơ chế thu hút nguồn nhân lực tri thức cao cho đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số Ninh Bình – TS. Nguyễn Trung Dũng – Tổng giám đốc BK Holdings
Chủ tịch Mạng lưới Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Đại học Cao đẳng Việt Nam
Các tham luận tại chuyên đề đã tập trung thảo luận sâu về lộ trình chuyển đổi số của Ninh Bình, bao gồm việc xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu, áp dụng công nghệ số và chiến lược phát triển dữ liệu dài hạn. Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong việc triển khai chuyển đổi số thành công, từ đó giúp Ninh Bình tận dụng tối đa tiềm năng công nghệ để nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững. Chuyển đổi số không chỉ tạo ra những thay đổi trong cách thức quản lý mà còn mở ra cơ hội phát triển kinh tế số, giúp Ninh Bình trở thành một điểm sáng trong hệ sinh thái kinh tế số toàn quốc.
Trong khuôn khổ chương trình Datafest 2024 với chủ đề “Chiến lược dữ liệu cho phát triển ứng dụng Trí tuệ Nhân tạo & Thúc đẩy Chuyển đổi số Ninh Bình”, nhiều báo cáo đã nêu bật những giải pháp công nghệ quan trọng từ các đơn vị hàng đầu như Viettel, VNPT, góp phần phát triển nền kinh tế số. Một số điểm nổi bật từ các báo cáo bao gồm:
- Báo cáo: “Xây dựng nền tảng kiến trúc dữ liệu cho phân tích và dự đoán” do Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm phân tích dữ liệu – Tổng Công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel, trình bày. Báo cáo đã giới thiệu giải pháp nền tảng phân tích dữ liệu toàn diện, giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có thể khai thác dữ liệu hiệu quả, từ đó dự đoán các xu hướng phát triển, hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và chính xác. Đây là công cụ mạnh mẽ trong việc thúc đẩy quản trị thông minh và phát triển các chính sách kinh tế số.
- Báo cáo: “Đề xuất các giải pháp xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nhằm thúc đẩy kinh tế số tại địa phương” do Ông Hoàng Quốc Việt, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số lĩnh vực cơ sở dữ liệu chuyên ngành, Tập đoàn VNPT, trình bày. Báo cáo tập trung vào việc xây dựng và quản lý các cơ sở dữ liệu chuyên ngành tại địa phương, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số, đặc biệt trong các lĩnh vực như nông nghiệp, y tế, giáo dục, và du lịch. Giải pháp này giúp tối ưu hóa việc thu thập và quản lý dữ liệu, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương một cách bền vững.
- Báo cáo: “Hạ tầng công nghệ cho ứng dụng AI – động lực phát triển kinh tế số” do Ông Trần Đăng Dũng, Giám đốc khối tư vấn giải pháp – Công ty TNHH Viettel – CHT, trình bày. Báo cáo đã nêu bật hạ tầng công nghệ tiên tiến, phục vụ cho việc phát triển các ứng dụng AI trên quy mô lớn. Viettel đã đóng góp tích cực trong việc cung cấp giải pháp hạ tầng cho nhiều lĩnh vực, bao gồm cả quản lý doanh nghiệp, y tế, và giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế số tại các tỉnh thành.
Các tập đoàn lớn như Viettel, VNPT, và VNG đều có những giải pháp công nghệ vượt trội, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Những giải pháp này không chỉ hỗ trợ cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong việc chuyển đổi số mà còn thúc đẩy phát triển kinh tế số toàn diện thông qua việc tối ưu hóa dữ liệu và ứng dụng công nghệ AI, giúp gia tăng năng suất, giảm thiểu chi phí, và tối ưu hóa nguồn lực.
Đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam phát biểu kết luận phiên chuyên đề.
Phát biểu kết luận phiên chuyên đề, đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam ghi nhận, đánh giá cao các tham luận tại Diễn đàn được chuẩn bị sâu sắc, kỹ càng, đã chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp trong từng lĩnh vực cụ thể của hoạt động chuyển đổi số để có thể áp dụng tại Ninh Bình; cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh Ninh Bình trong việc phối hợp tổ chức tốt Diễn đàn; khẳng định kết quả của Diễn đàn thông qua các tham luận tại hai phiên chuyên đề sẽ góp phần để tỉnh Ninh Bình cùng với cả nước thực hiện thành công chuyển đổi số.
Phiên Hội thảo Chiều 24/10/2024: “CÁC TIẾN BỘ CỦA CÔNG NGHỆ DỮ LIỆU VÀ CÔNG NGHỆ SỐ TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ SỐ” với sự chủ trì của Ông Đoàn Thanh Hải – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Bình và PGS. TS Hoàng Hữu Hạnh – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã nghe các tham luận:
Xu hướng phát triển chiến lược dữ liệu từ tầm nhìn quốc tế và hàm ý cho Việt Nam – Ông Hoàng Nguyên Vân- Phó Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số
Hạ tầng công nghệ cho ứng dụng AI – động lực phát triển kinh tế số – Ông Trần Đăng Dũng – Giám đốc khối tư vấn giải pháp – Công ty TNHH Viettel – CHT
Ứng AI trong quản trị doanh nghiệp giúp gia tăng năng suất – Bà Phạm Thị Tuyến – GĐ Kinh doanh – Công ty CP MISA
Khai thác dữ liệu & ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) cho đổi mới quản trị địa phương và cải cách hành chính ở cấp tỉnh – Ông Nguyễn Đức Lam – Giám đốc nghiên cứu, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông ( IPS)
AI và Big Data trong khai thác dịch vụ nhà và Đô thị – Ông Hoàng Tuấn Anh – Giám đốc công nghệ- Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land
Hội thảo đi sâu vào các tiến bộ mới nhất trong công nghệ dữ liệu và công nghệ số, bao gồm những đổi mới về kiến trúc dữ liệu, bảo mật dữ liệu, điện toán đám mây và thế hệ trung tâm dữ liệu mới. Các báo cáo phân tích các giải pháp nhằm giúp doanh nghiệp, cơ quan nhà nước khai thác dữ liệu một cách hiệu quả và an toàn, bao gồm các giải pháp tiên tiến giúp bảo vệ dữ liệu trước những nguy cơ xâm nhập, từ đó đảm bảo an toàn cho hệ thống dữ liệu của cả doanh nghiệp lẫn chính phủ. Với mục tiêu giúp các doanh nghiệp và cơ quan quản lý tối ưu hoá quy trình vận hành, giảm chi phí và tăng cường khả năng tương tác giữa các hệ thống dữ liệu khác nhau. Hội thảo đề cập đến việc ứng dụng dữ liệu và công nghệ số trong các lĩnh vực quan trọng như giáo dục, y tế và nông nghiệp. Các chuyên gia chia sẻ về các mô hình chuyển đổi số giúp cải thiện chất lượng giáo dục, nâng cao hệ thống y tế và hỗ trợ nông nghiệp…phát triển bền vững, thông minh , đồng thời giúp nâng cao chất lượng dịch vụ mà còn góp phần tạo ra sự thay đổi toàn diện về phương thức quản lý và phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh phát triển nông thôn thông minh.
Một số giải pháp nổi bật được trình bày tại hội thảo:
Ứng dụng AI trong quản trị doanh nghiệp giúp gia tăng năng suất – Công ty Cổ phần MISA
Công ty CP MISA đã giới thiệu giải pháp ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào quản trị doanh nghiệp nhằm gia tăng năng suất và hiệu quả hoạt động. Các giải pháp AI của MISA tập trung vào việc tự động hóa quy trình quản lý, từ kế toán, tài chính đến nhân sự, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và tối ưu hóa nguồn lực.
AI và Big Data trong khai thác dịch vụ nhà và đô thị – Công ty Cổ phần Tập đoàn Meey Land
Công ty Meey Land đã giới thiệu giải pháp sử dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) để khai thác và phát triển các dịch vụ trong lĩnh vực bất động sản và quản lý đô thị. Theo báo cáo của ông Hoàng Tuấn Anh, Giám đốc dự án của Meey Land, nền tảng số của công ty không chỉ giúp người mua và người bán bất động sản kết nối một cách dễ dàng, mà còn cung cấp công cụ phân tích thị trường và dự đoán xu hướng giá cả bất động sản.
Tại Datafest VietNam 2024, trưng bày Booths cùng các hoạt động xúc tiến thương mại, gặp gỡ giao thương được tiến hành song song. Chương trình chính là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ các định hướng, chiến lược, giải pháp, và công cụ quản lý thực tiễn trong phát triển dữ liệu
Datafest 2024 không chỉ là một diễn đàn khoa học mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chiến lược phát triển AI và dữ liệu cho Việt Nam, đặc biệt trong việc thúc đẩy chuyển đổi số của tỉnh Ninh Bình. Với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, chương trình sẽ mở ra nhiều cơ hội và định hướng mới cho sự phát triển kinh tế số, đồng thời khẳng định vai trò của dữ liệu trong việc tạo ra giá trị cho xã hội và doanh nghiệp.
Diễn đàn là cơ hội để Ninh Bình khẳng định tầm quan trọng của chuyển đổi số trong việc xây dựng chính quyền số và nền kinh tế xanh bền vững, từ đó mở ra hướng đi mới cho các địa phương khác học hỏi và phát triển.