Dịch Covid-19 nhanh chóng thay đổi cuộc sống của chúng ta. Học sinh không đến trường. Ra đường đeo khẩu trang. Hàng quán đều đóng cửa. Lãnh đạo họp ngày đêm. Cơ quan làm trực tuyến. Cả nước như thời chiến. Xã hội giãn cách ra.
Và nhiều điều lâu nay không nhiều người để ý bỗng trở nên quen thuộc.
Không thể đến trường, sinh viên đại học rồi học sinh phổ thông cùng thầy cô chuyển qua học và dạy online. Những gì hơn hay kém của online còn cần đánh giá sau trải nghiệm, nhưng dường như ai cũng thấy online là một giải pháp “không có thì gay”.
Rất nhiều tổ chức và doanh nghiệp cho nhân viên làm việc ở nhà, hoặc thay nhau làm việc ở nhà. Ngành Y tìm cách đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa. Rất nhiều cuộc hội họp tập trung được chuyển qua online, kể cả giao ban toàn quốc của nhiều bộ ngành, của quân đội… Rồi các thông báo, khuyến cáo của Chính phủ, của các bộ ngành hay chính quyền được gửi thường xuyên qua điện thoại đến từng người dân. Ta bỗng gần gũi với nhiều thứ mới trong cuộc sống và công việc. “Làm việc ở nhà” đã thành quen thuộc.
Những thay đổi đến rất nhanh này, đến mức nhiều người chưa biết gọi tên thế nào, thật ra rất gần câu chuyện đã được nói đến một hai năm nay: Chuyển đổi số.
Bài này chia sẻ cách hiểu các khái niệm cơ bản của chuyển đổi số và cơ hội chuyển đổi số của đất nước thời dịch Covid-19.
Chuyển đổi số là gì?
Có thể hiểu về chuyển đổi số qua định nghĩa súc tích sau: “Chuyển đổi số là quá trình con người thay đổi cách sống, cách làm việc, và phương thức sản xuất với các công nghệ số”.
Từ khoảng hơn hai thập kỷ qua thành quả của nhiều công nghệ số đã dần đi vào cuộc sống của ta. Hình 1 chỉ ra một vài thí dụ: máy ảnh số hay điện thoại di động được dùng rộng rãi để chụp ảnh thay cho máy ảnh cơ; những chiếc Tivi với tín hiệu tương tự đang dần chuyển qua Tivi số với chất lượng màu sắc và độ nét cao hơn rất nhiều; những chiếc đồng hồ lên giây cót đang dần bị thay bằng đồng hồ số vừa xem giờ vừa có thể đo nhịp tim, đo số bước đi mỗi ngày; in ấn đã đi từ những bản khắc gỗ, đến xếp chữ chì, rồi đến in ấn điện tử… Hơn thế nữa, Internet và những chiếc điện thoại di động gần đây đã và đang thay đổi sâu sắc cuộc sống của ta, trong việc nhận và gửi tin tức, kết nối và liên lạc với người khác.
Không chỉ thay đổi cách sống của con người, có cả thay đổi trong cách làm việc của các tổ chức và doanh nghiệp. Ta đã quen với taxi công nghệ Grab, với giao dịch ngân hàng trực tuyến và mua bán online. Trong cơn dịch Covid-19 mỗi công dân đã luôn nhận được các thông báo liên quan đến dịch bệnh của Chính phủ, của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… gửi thẳng tới điện thoại đi động của mình.
Bản chất của chuyển đổi
Có một số cơ sở chính của chuyển đổi số. Trước hết đó là việc số hoá các thực thể (đối tượng, vạn vật) trong thế giới ta sống. Các thực thể thường ở dạng tự nhiên (dòng sông, cánh đồng, cuốn sách…) hay dạng tín hiệu liên tục (dòng điện, tiếng nói con người…). Số hoá các thực thể là việc tạo ra các con số để mô tả và biểu diễn chúng, tức tạo ra dữ liệu hay phiên bản số của chúng.
Một thí dụ quen thuộc là số hoá văn bản. Các tài liệu in trên giấy được cho vào máy quét (scanner) và phần mềm OCR sẽ tạo ra tệp văn bản số trên máy tính. Các tệp văn bản số có thể được kết nối với nhau, chẳng hạn qua các nhãn gán cho chúng. Sông núi phố phường nhà cửa trên trái đất của chúng ta cũng được số hoá và thí dụ tiêu biểu là Google maps ta vẫn thường dùng. Mỗi chúng ta cũng tham gia vào quá trình số hoá chính mình, thường là vô thức, với nhiều phiên bản số của mình như facebook, hồ sơ sức khoẻ điện tử, các giao dịch điện tử mỗi ngày hay các dữ liệu về đi lại, về nhịp tim do chiếc đồng hồ điện tử đo (Hình 2).
Phiên bản số của các thực thể là các con số nên có thể đưa được vào máy tính hay lên mạng, tức các thực thể được đưa vào máy tính hay lên mạng. Các thực thể lại có thể kết nối được với nhau qua phiên bản số của chúng trên Internet (Internet vạn vật), tạo nên một không gian số (hay không gian mạng). Sự kết nối này cũng là kết nối giữa không gian vật lý và không gian số (physical-cyber connection), ta gọi tắt là kết nối thực thể-số1 dẫn đến khả năng các hoạt động của con người trên các thực thể đều có thể được điều khiển và tính toán dựa trên kết nối các phiên bản số của chúng.
Như vậy có thể thấy bản chất của chuyển đổi số là việc chuyển từ cách sống, cách làm việc truyền thống với các thực thể sang cách sống và làm việc với các thực thể và với cả các phiên bản số được kết nối của chúng trong không gian số (Hình 3).
Chú ý rằng chuyển đổi số là sự thay đổi tất yếu của toàn xã hội, liên quan đến mọi người và mọi tổ chức. Dù ai muốn hay không chuyển đổi số cũng xảy ra. Đây là một cuộc thay đổi tổng thể và toàn diện mọi khía cạnh của kinh tế-xã hội, và Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm đến ba mục tiêu liên quan chặt chẽ với nhau: kinh tế số, chính phủ số và xã hội số (Hình 3).
Nếu phương thức sản xuất của các cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba được đặc trưng bởi sản xuất với máy hơi nước, với điện lực, với máy tính và Internet, thì phương thức sản xuất với chuyển đổi số trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chính là sản xuất thông minh (Hình 4). Việc sản xuất thông minh được thực hiện bởi tính toán trên dữ liệu có từ kết nối thực thể-số, tiêu biểu bởi các phương pháp của Trí tuệ Nhân tạo.
Ba cấp độ của chuyển đổi số
Chuyển đổi số là một quá trình lâu dài và phức tạp, và thường được nhìn theo ba cấp độ: (1) Số hoá; (2) Xác định mô hình hoạt động; (3) Chuyển đổi.
Số hóa (digitization), như đã nói ở trên, là việc biến đổi các thực thể (đối tượng, vạn vật) từ dạng vật lý (analog) sang dạng số, tức tạo ra phiên bản số của các thực thể. Bản chất của cấp độ số hoá là biến đổi (conversion). Chú ý rằng số hoá cần gắn liền với công nghệ kết nối các thực thể trên Internet (Internet van vật), lưu trữ dữ liệu (điện toán đám mây) và bảo vệ sự bất biến, toàn vẹn dữ liệu (blockchain).
Xác định mô hình hoạt động số (digitalization) là cấp độ trả lời câu hỏi cách sống và cách làm việc sẽ thay đổi như thế nào với các công nghệ số và dữ liệu được số hoá. Đối với các tổ chức hay doanh nghiệp, đó là việc xác định mô hình hoạt động hoặc mô hình kinh doanh. Bản chất của cấp độ này là sáng tạo (creation). Hãy hình dung trong và sau đại dịch Covid-19 này mỗi trường học phải xác định mình sẽ tiếp tục dạy và học online cùng với cách truyền thống thế nào, mỗi doanh nghiệp phải sản xuất và kinh doanh thế nào, quan hệ và giữ khách hàng thế nào; chính quyền các cấp cũng cần tính đến việc dùng các công nghệ số như thế nào để phát huy được những ưu việt của tổ chức xã hội và phẩm chất của người Việt trong hoạn nạn như đã thấy trong những ngày này. Sau nguy có cơ, và đó là cơ hội cho chuyển đổi số, trong đó tính sáng tạo trong xây dựng mô hình hoạt động sẽ là yếu tố đột phá.
Chuyển đổi (transformation) là cấp độ các cá nhân, các tổ chức thực hiện thay đổi theo mô hình đã xác định. Đây cần là một quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện, từ lãnh đạo cao nhất đến mọi thành viên của tổ chức, từ xây dựng năng lực số đến văn hoá số, xây dựng lộ trình và kế hoạch, từng bước thay đổi theo lộ trình…
Hình 6 minh hoạ chuyển đổi số của Britannica, bộ Bách khoa toàn thư lâu đời và đồ sộ xuất bản lần đầu vào năm 1771, in thành 32 tập sách. Để không bị đánh gục trong kỷ nguyên số, Britannica đã chuyển đổi gian truân và mạnh mẽ trong hơn 20 năm. Ngày 12/3/2012 Britannica ngừng phát hành bản in sau 244 năm và chuyển qua các sản phẩm số. Nỗ lực đầu với phiên bản số trên CD-ROM của Britannica đã bị hạ gục bởi bách khoa toàn thư Encarta của Microsoft, cung cấp miễn phí cho khách hàng mua phần mềm Windows. Rồi khi các CD-ROM phải nhường chỗ cho Web, Britannica lại gặp cạnh tranh khốc liệt của các nguồn tin trực tuyến và miễn phí, gồm Nupedia rồi sau là Wikipedia.
Hiểu rằng thói quen của khách hàng đang thay đổi rất nhiều, thay vì bảo vệ mô hình kinh doanh cũ Britannica đã chuyển sang mô hình thuê bao trực tuyến của bách khoa toàn thư số cùng giáo trình và tài liệu học tập đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Trong thay đổi Britannica luôn kiên trì giá trị cốt lõi của mình: chất lượng biên tập nội dung và các dịch vụ giáo dục phong phú, và nhờ vậy, hiện nay Britannica kinh doanh “đang có lời hơn mọi thời điểm trước đây”.
Trong những ngày dịch Covid-19 nhiều mô hình hoạt động số được thực hiện khắp nơi. Nhà hát Bolshoi nổi tiếng ở Moscow đã cho chiếu online những vở ballet kinh điển. Các bảo tàng lớn như Ashmolean ở Oxford hay Louvre ở Paris đã liên tục làm các tour du lịch ảo và giới thiệu online các bộ sưu tập tranh quý. Ở trong nước, nhiều trường đại học ngoài việc dạy và học online đã tổ chức các chuyến thăm trường và tuyển sinh online. Khi làm các chương trình truyền hình, thay vì đến tận nơi ghi hình nhà đài đã yêu cầu người tham gia tự ghi hình gửi đến để họ biên tập…
Công nghệ số và dữ liệu
Công nghệ số là một từ chung để chỉ các công nghệ nhằm tạo ra và sử dụng các đối tượng dưới dạng số. Có rất nhiều công nghệ số khác nhau vì mọi lĩnh vực đều dần được số hoá và hoạt động với các thực thể được số hoá. Đó là các công nghệ Fintech trong ngành ngân hàng hoặc cung cấp công cụ số để thay đổi cách các cá nhân vay mượn, quản lý tiền bạc hoặc để hỗ trợ công nghệ tài chính số cho các định chế tài chính. Đó là công nghệ BIM (building information modeling) trong ngành xây dựng nhằm tạo lập và sử dụng mô hình số trong các giai đoạn thiết kế, thi công và vận hành công trình xây dựng. Đó là các công nghệ số cho hội họp và học tập online đã giúp ta những ngày trong dịch Covid-19…
Trong thập kỷ vừa qua các lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI), Điện toán đám mây, Internet vạn vật, Chuỗi khối (blockchain), mạng không dây thế hệ mới (5G)… có nhiều đột phá, đang và sẽ tạo ra nhiều công nghệ số quan trọng cho chuyển đổi số. Các công nghệ số thường không dùng độc lập. Việc liên kết các công nghệ số cần thiết sẽ tạo nên sức mạnh công nghệ tổng hợp cho chuyển đổi số.
Các công nghệ Internet vạn vật, Điện toán đám mây, Chuỗi khối chủ yếu để xây dựng hạ tầng dữ liệu khi kết nối, lưu trữ, và tạo bất biến của những lượng dữ liệu khổng lồ; các Mạng thế hệ không dây cho phép chuyển những lượng dữ liệu này với tốc độ cao trong không gian mạng; và Trí tuệ nhân tạo chủ yếu để khai thác, sử dụng dữ liệu.
Trí tuệ nhân tạo (AI) hiện nay được chú trọng nhờ ở năng lực phân tích và sử dụng dữ liệu ở mọi lĩnh vực. Về đại thể, AI được chia thành hai nhánh chính. Một là AI “bắt chước con người”, nhằm làm ra máy có năng lực của trí tuệ con người ở mức cao, được gọi “strong AI” (AI mạnh) hay “general AI” (AI rộng). Hai là AI “tăng cường trí tuệ con người”, dựa trên các phương pháp của toán học (thống kê, đại số, tối ưu…) và tin học (học máy, tính toán hiệu năng cao…) để giải quyết các bài toán cụ thể trong hoạt động của con người, đặc trưng bởi “AI dựa vào dữ liệu” (data-driven AI), được gọi “weak AI” (AI yếu) hay “narrow AI” (AI hẹp). Nhánh thứ hai này phát triển rực rỡ trong vòng hai thập kỷ vừa qua, đã khẳng định sự cần thiết của AI ở mọi chỗ mọi nơi, và do đó là công nghệ then chốt của chuyển đổi số (Hình 7).
Khi số hoá tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ ở mọi lĩnh vực, khả năng phân tích dữ liệu của AI giải thích vai trò của AI trong thời đại số. Vì tầm quan trọng này, hầu hết các quốc gia phát triển đều xây dựng chiến lược AI của mình. Có hai lĩnh vực liên quan đến AI cần quan tâm là “khoa học dữ liệu” (data science) và “dữ liệu lớn” (big data). Khoa học dữ liệu là lĩnh vực gần với “AI dựa vào dữ liệu”, nhằm vào phân tích và dùng dữ liệu trong các lĩnh vực cụ thể. Các kỹ thuật phân tích dữ liệu lớn cũng chính là các kỹ thuật của “AI dựa vào dữ liệu” khi đối đầu với các tập dữ liệu rất lớn và phức tạp, và gần đây thường được xem là một phần của AI.
Hạ tầng số và nền tảng số
Hạ tầng số (digital infrastructure) là những thành phần cơ bản và thiết yếu nhất cần có để hoạt động trong kỷ nguyên số. Chúng tôi quan niệm hạ tầng số gồm2 (Hình 8):
1. Hạ tầng thiết bị số (còn gọi hạ tầng kỹ thuật số), gồm các hệ thống máy tính (chú ý máy an toàn và đủ mạnh cho những tính toán với dữ liệu lớn) và hệ thống kết nối mạng (đảm bảo tính kết nối và tốc độ truyền thông cao).
2. Hạ tầng dữ liệu, gồm các cơ sở dữ liệu then chốt của quốc gia (dân số, đất đai, tài chính, bảo hiểm, nông nghiệp, sức khoẻ, giáo dục…), cơ sở dữ liệu của các tỉnh thành, ngành nghề, các tập đoàn, công ty… được xây dựng với các công nghệ thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu.
3. Hạ tầng ứng dụng, gồm các công nghệ số cần thiết và việc làm chủ chúng để có thể khai thác các nguồn tài nguyên số. Các công nghệ này thường được phát triển thành các công cụ chuyên biệt cho các lĩnh vực hoặc cho ứng dụng cụ thể để người dùng dễ dàng xây dựng giải pháp của mình, gọi là các nền tảng số.
4. Hạ tầng pháp lý, gồm các quy định pháp lý phù hợp với thời đại số, cần cho chuyển đổi số.
5. Hạ tầng nhân lực, là lực lượng lao động để thực hiện chuyển đổi số. Việc đào tạo nhân lực cần hướng tới hai mục tiêu: (i) Đào tạo lực lượng chuyên nghiệp về công nghệ số đáp ứng các nhu cầu phát triển của thành phố; (ii) Đào tạo kiến thức và kỹ năng số cần thiết cho đông đảo người lao động để thích ứng với thay đổi của thời chuyển đổi số.
Nền tảng số: Do thuật ngữ “nền tảng” (platform) đã được dùng từ lâu trong Công nghệ Thông tin với nghĩa khá rộng, cần nêu rõ nghĩa của “nền tảng” trong ngữ cảnh của chuyển đổi số. Nghĩa chung nhất của nền tảng là “cái trên đó người dùng có thể xây dựng giải pháp của mình” như đã nói ở trên. Nói “nền tảng” như thường nghe gần đây trong câu chuyện chuyển đổi số là nói tắt của “nền tảng số” (digital platform). Có hai loại nền tảng số phổ biến:
• Nền tảng giao dịch (transaction platform), là các công cụ mai mối kỹ thuật số (digital matchmakers) giữa các nhóm người như khách hàng hay người dùng với nhà sản xuất hay người cung cấp dịch vụ. Vài thí dụ tiêu biểu là các nền tảng của Amazon, Airbnb, Uber và Yahoo. Trong dịch Covid-19 các công cụ để dạy và học online được dùng rộng rãi là các nền tảng giáo dục, như nền tảng học online phát triển bởi VNPT.
• Nền tảng đổi mới (innovation platform) là các khung công nghệ, các công cụ chung mà người khác có thể dùng để nhanh chóng xây dựng ứng dụng của mình, chẳng hạn nền tảng của Microsoft, hay các thư viện chương trình của phân tích kinh doanh, của học máy, của thống kê, như nền tảng AI của FPT.
Các nền tảng số chính là công cụ xây dựng từ các công nghệ số trong hạ tầng ứng dụng, và thường kết hợp với hạ tầng dữ liệu hay hạ tầng thiết bị. Một chủ trương và giải pháp quan trọng trong Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia là xác định các nền tảng cần thiết để các doanh nghiệp phát triển cho người dùng. Liên hệ với cấp độ “Xác định mô hình hoạt động số” nêu ở phần trên, định rõ hoặc xây dựng các nền tảng số phù hợp cho mỗi tổ chức, mỗi lĩnh vực, mỗi ngành nghề có giá trị thực tiễn lớn trong quá trình chuyển đổi số.
Các bước của chuyển số
Chuyển đổi số là một quá trình đa dạng, không có con đường và hình mẫu chung cho tất cả, và do vậy từng tổ chức, từng cá nhân cần xác định lộ trình riêng, thích hợp với hoàn cảnh của mình. Để có gợi ý và tham khảo, chúng tôi giới thiệu cách nhìn của mình với sáu bước của chuyển đổi số. Hy vọng các bước này có thể vận dụng trong nhiều trường hợp, cho nhiều tổ chức và doanh nghiệp (Hình 9).
Bước 1: Có nhận thức và tư duy đúng về chuyển đổi số. Với một tổ chức, nhận thức của lãnh đạo cao nhất là điều kiện tiên quyết, để từ đó truyền nhận thức, thay đổi tư duy và khát vọng tới các thành viên.
Bước 2: Xây dựng được chiến lược và lộ trình chuyển đổi số. Xác định trạng thái hiện tại và trạng thái cần đến để định rõ mục tiêu, xây dựng lộ trình với các giai đoạn hợp lý và kế hoạch thực hiện từng giai đoạn với nội dung cụ thể.
Bước 3: Xây dựng năng lực số, gồm hạ tầng thiết bị và dữ liệu, đào tạo nhân lực số, xây dựng văn hoá đổi mới trong tổ chức với mô hình hoạt động mới…
Bước 4: Xác định công nghệ số chủ yếu trong lĩnh vực hoạt động cũng như các nền tảng cần có để hỗ trợ việc chuyển đổi.
Bước 5: Xác định mô hình hoạt động, kinh doanh mới.
Bước 6: Thực hiện chuyển đổi toàn diện với kết quả của các bước trước.
Chuyển đổi số và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư
Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp là một giai đoạn phát triển của xã hội loài người với việc các đột phá lớn về khoa học và công nghệ dẫn đến các thay đổi sâu sắc trong sản xuất và xã hội. Giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư được cho là bắt đầu từ thập kỷ này khi có nhiều đột phá và cộng hưởng của các công nghệ số.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được nói đến nhiều ở châu Âu, châu Á… hơn ở Bắc Mỹ, nơi sớm nói nhiều đến chuyển đổi số. Nội dung đặt ra trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư rộng hơn chuyển đổi số, nhưng nếu nhìn về các đặc trưng của kỷ nguyên số, có thể nói Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và Chuyển đổi số có chung bản chất. Khi nói đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư, không dễ hình dung xem phải làm gì và làm thế nào, nhưng những điều này rõ ràng trong chuyển đổi số.
Cốt lõi của thực hiện cách mạng công nghiệp lần thứ tư ở nước ta là thực hiện chuyển đổi số (Hình 10). Có thể nói chuyển đổi số là nội dung chính và cách phát triển chính trong giai đoạn cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trong nguy có cơ
Dịch Covid-19 bất ngờ đến gây đại họa khắp nơi. Dịch bệnh đảo lộn cuộc sống con người. Hầu hết các nền kinh tế bị xáo trộn, đứt gãy và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu rất lớn. Việt Nam đang kiểm soát dịch tốt nhưng nền kinh tế cũng đang bị tác động mạnh, và sẽ ảnh hưởng hơn rất nhiều nếu khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra.
Giãn cách xã hội làm nhịp sống của con người chậm lại. Ngoài những người “stay at work” ngày đêm để chống dịch, số đông “stay at home” để bảo vệ mình và an nguy xã hội. Mọi người nghĩ và lo nhiều hơn cho thực tại và tương lai, nhận ra điều không ngờ rằng các cường quốc cũng có lúc mong manh và những nước có nguồn lực hạn chế cũng có thể trụ được trong biến động khôn lường.
Dù dịch Covid-19 có làm toàn cầu rúng động thì chuyển đổi số vẫn khách quan diễn ra. Các quốc gia đang chuyển đổi số mạnh mẽ chắc chắn sẽ chuyển đổi mạnh hơn. Còn chúng ta thế nào?
Trong dịch Covid-19 có nhiều việc cần và có thể làm. Bên cạnh việc tập trung phát triển các nền tảng giám sát, truy vết lây nhiễm hay nền tảng giao dịch cho các hoạt động trực tuyến, rất cần tiến hành phân tích dịch tễ học dựa trên dữ liệu thu thập hàng ngày để có cơ sở ra các quyết định về thời gian giãn cách xã hội, về cân bằng giữa phòng chống dịch với sản xuất ở các ngành nghề hay địa phương. Từ trong dịch Covid-19 các công nghệ phân tích dữ liệu tiên tiến có thể đóng góp vào việc xây dựng các mô hình, thu thập dữ liệu trong và ngoài nước để tính toán và đưa nhiều kịch bản định lượng khác nhau khi tái khởi động nền kinh tế ngay sau dịch bệnh.
Dịch Covid-19 là cú hích để đẩy nhanh chuyển đổi số trên cả nước. Mọi lĩnh vực như giáo dục và đào tạo, y tế, kinh tế, an ninh quốc phòng… đều cần nắm cơ hội để chuyển đổi số, như vài thí dụ ngắn sau đây.
Trong nông nghiệp cần hướng đến đánh giá chính xác hơn về cung-cầu của sản phẩm, hỗ trợ kiểm soát sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển nhanh sang nông nghiệp tuần hoàn với các công nghệ số thích hợp.
Trong logistics cần xây được hệ thống số quản lý tổng thể trên cả nước về các luồng hàng hóa từ nơi xuất phát, nơi qua, nơi đến; phương tiện và phương thức; thời gian và chi phí… vốn không làm được trong chế độ thủ công hay bán tự động.
Về môi trường cần xây dựng các phiên bản số về trạng thái ô nhiễm và ảnh hưởng xấu lên môi trường để chọn giải pháp xử lý phù hợp trên nguyên tắc tương tác đa chiều, như xét rác thải cùng ngập nước, ô nhiễm không khí và nguồn gốc phát thải.
Đối với chuyển đổi số ở nước ta nếu như trước Covid-19 điều phải quan tâm đầu tiên là nhận thức, thì lúc này điều phải quan tâm nhất là sẽ làm chuyển đổi số như thế nào.
Hồ Tú Bảo (bài đăng trên Tạp chí Tia sáng 16/4/2020)
(Hồ Tú Bảo là thành viên Nhóm Think Tank VINASA, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, và Viện John von Neumann, ĐHQGHCM)
Tài liệu tham khảo chính:
1. Think Tank VINASA, Việt Nam thời chuyển đổi số, Nhà xuất bản Thế giới, 2019.
2. David L. Rogers, Rethinking and Transforming Your Business for the Digital Age, Columbia University Press, 2016. Bản dịch tiếng Việt “Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số”, PACE Institute of Management, 2018.
3. Hồ Tú Bảo, Nguyễn Tuấn Hoa, “Chuyển đổi số – Từ khái niệm đến thực tiễn”, 2020.
4. Hồ Tú Bảo, Hiểu và đi trong cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Tia Sáng, 2017), Chuyển đổi số: Cơ hội tạo đột phá trong phát triển đất nước (Khoa học & Phát triển, 2019), Chuyển đổi số: Cơ hội vô giá của Việt Nam (Đại biểu Nhân dân, 2020).
Tác giả: T.S Phạm Anh Tuấn
Phó viện trưởng Viện sáng tạo và chuyển đổi số
Nguồn bài viết: trithucquantri.com