Mục tiêu của iCheck bảo vệ người tiêu dùng khỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống; cung cấp thông tin sản phẩm một cách minh bạch để người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng hóa một cách sáng suốt.
TS Phạm Anh Tuấn, phó viện trưởng viện VIDTI
Trong những năm gần đây, nhờ sự phát triển mạnh mẽ của hàng loạt công nghệ số đỉnh cao như điện toán đám mây, công nghệ di động 3G/4G, …nhiều mô hình kinh doanh hoàn toàn mới đã xuất hiện trên thế giới và ở nhiều ngành công nghiệp khác nhau, mang lại những lợi ích vượt trội cho khác hàng so với các mô hình kinh doanh truyền thống. Hai mô hình đặc trưng của thời kỳ CMCN 4.0 hay của nền kinh tế chia sẻ là: i. mô hình nền tảng kinh doanh – platform business model và ii. mô hình thuê bao – subcription model.
Nhìn vào danh sách 10 công ty lớn nhất thế giới hiện nay so với cách đây 10 năm chúng ta không chỉ thấy các hãng công nghệ số đã lấy đi vị trí thống trị của các hãng năng lượng trong bảng xếp hàng, mà còn là sức mạnh của các mô hình kinh doanh mới. Thật vậy, có tới 7 trong số 10 công ty lớn nhất thế giới trong bảng xếp hạng 2018 đều sử dụng mô hình kinh doanh nền tảng số, một mô hình kinh doanh chỉ mới xuất hiện cách đây khoảng một thập kỷ, khai thác được một cách tối ưu sức mạnh của các công nghệ số như đám mây, di động, dữ liệu lớn,…và giúp nhiều thương hiệu đạt được mức tăng trưởng theo cấp số nhân chỉ sau một thời gian ngắn phát triển.
Các ứng dụng gọi xe, các nền tảng đặt phòng khách sạn, các chợ điện tử kết nối người mua và chủ cửa hàng (amazon, alibaba), các hệ điều hành di động (android, ios), mạng xã hội gắn với quảng cáo (facebook, twitter), các ứng dụng thanh toán (apple pay, samsungpay, alipay), ứng dụng trò chơi (Pokemon), v.v. về bản chất đều sử dụng mô hình kinh doanh nền tảng. Mô hình kinh doanh nền tảng cũng đang có sự phát triển ngoạn mục ở Việt Nam với hàng loạt thương hiệu, được sự hỗ trợ từ nguồn vốn và công nghệ từ nước ngoài đang ngày càng thu hút được nhiều người dùng và dần thay đổi thói quen mua sắm của khách hàng như: Fastgo (ứng dụng gọi xe), MoMo (ví điện tử), Now (gọi đồ ăn), Tiki (chợ điện tử), v.v.
Lý do chính mà các nền tảng ngày càng phổ biến là vì sự vượt trội của mô hình nền tảng so với các mô hình kinh doanh truyền thống nhờ vào hai loại hiệu ứng mạng lưới xuất hiện trong các nền tảng: hiệu ứng mạng lưới trực tiếp (direct network effects) và hiệu ứng mạng lưới gián tiếp (indirect network effects).
Xu hướng “nền tảng hóa” nền kinh tế cũng đang bắt đầu mạnh lên ở Việt Nam khi mà người dùng Việt Nam mỗi ngày đều đang sử dụng một vài sản phẩm hoặc dịch vụ được giao dịch, mua bán trên các nền tảng số. Hàng ngày chúng ta có thể đến công sở bằng một cuộc xe được đặt trên nền tảng của Grab hoặc Be, chúng ta gọi đồ ăn từ nền tảng Grab Food, mua hàng trên Tiki hoặc Shopee, tán gẫu với bạn bè qua Zalo, hoặc đơn giản là thanh toán qua MoMo hoặc quét mã QR Code của VNPay để hưởng giảm giá. Tất cả những ứng dụng này đều là một dạng nền tảng số, đa số xuất phát từ Việt Nam.
Thế còn các doanh nghiệp thì sao, doanh nghiệp có đang sử dụng các sản phẩm hay dịch vụ từ các nền tảng số không? Có đấy, bây giờ chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về iCheck, một nền tảng giúp người dùng chỉ với điện thoại thông minh của mình có thể dễ dàng kiểm tra nguồn gốc các loại hàng hóa, xác định hàng giả hàng thật, thời hạn sử dụng, hay đăng ký bảo hành điện tử.
Trước hết, chúng ta sẽ làm rõ thế nào được coi là một “nền tảng”? Trong thời đại số, chữ “nền tảng” ngày càng xuất hiện dày đặc hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các văn bản của cơ quan quản lý nhà nước, và đặc biệt trong các bài viết về startup, về chiến lược kinh doanh hiện đại của doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khi “nền tảng” dường như đã được sử dụng một cách quá đà bởi các doanh nghiệp và các chuyên gia, không phải mô hình kinh doanh nào cũng hội đủ các đặc điểm của một “nền tảng kinh doanh”.
GS David Rogers, trong cuốn sách The Digital Transformation Playbook (bản dịch tiếng Việt có tựa đề Cải tổ doanh nghiệp trong thời đại số) đưa ra định nghĩa dưới đây:
Một nền tảng là mô hình kinh doanh tạo ra giá trị bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho các tương tác trực tiếp giữa hai hoặc nhiều nhóm khách hàng khác nhau.
Theo Rogers, một mô hình kinh doanh chỉ được coi là một nền tảng khi hội đủ ba đặc điểm sau:
- Các nhóm khách hàng khác nhau: Để trở thành một nền tảng, mô hình kinh doanh phải phục vụ ít nhất hai bên hoặc nhóm khách hàng khác nhau. (Đây có thể là người mua và người bán, nhà phát triển phần mềm và người tiêu dùng, thương gia, chủ thẻ và ngân hàng, v.v.). Những động lực đặc biệt của nền tảng phát sinh bởi vì họ tập hợp các nhóm khác nhau mà mỗi nhóm có một vai trò khác nhau, đóng góp và nhận lại các loại giá trị khác nhau.
- Tương tác trực tiếp: Các nền tảng phải cho phép hai hoặc nhiều bên tương tác trực tiếp với nhau với mức độ độc lập nhất định. Trong một nền tảng như Airbnb hoặc eBay, hai bên được tự do tạo ra các hồ sơ riêng của họ, đặt, thương lượng giá và quyết định cách họ muốn giới thiệu dịch vụ hoặc sản phẩm của mình. Đây là một sự khác biệt quan trọng giữa một nền tảng và một đại lý bán lẻ hoặc kênh bán hàng.
- Tạo điều kiện thuận lợi: Mặc dù các tương tác không bị chi phối bởi các doanh nghiệp nền tảng, nhưng chúng phải diễn ra thông qua và được tạo điều kiện bởi nền tảng.
Theo định nghĩa trên, một số dịch vụ ứng dụng công nghệ số như Giupviec.vn có thể không phải là một nền tảng, nếu người tìm giúp việc không giao dịch trực tiếp được với người giúp việc trên nền tảng, mà vẫn phải qua sự sắp xếp của công ty. Những dịch vụ giao nhận, kết nối các cửa hàng và người mua hàng để thực hiện viện giao hàng cho một đơn hàng đã đặt trên mạng chính là một dạng nền tảng điển hình.
Icheck, một ứng dụng giúp người dùng truy xuất nguồn gốc và thông tin hàng hóa của các thương hiệu khác nhau là một nền tảng hội tụ đủ ba đặc điểm kể trên. Ứng dụng iCheck Scanner & Shopping do Công ty cổ phần iCheck phát hành tháng 8/2015. Trải qua hơn 2 năm hoạt động, iCheck trở thành ứng dụng top đầu tại Việt Nam với gần 10 triệu người sử dụng và 800,000 lượt quét mỗi ngày.
Mục tiêu của iCheck bảo vệ người tiêu dùng khỏi vấn nạn hàng giả, hàng nhái tràn lan ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng sống; cung cấp thông tin sản phẩm một cách minh bạch để người tiêu dùng có thể lựa chọn hàng hóa một cách sáng suốt. Chẳng hạn, khi bạn phân vân giữa sản phẩm sữa tắm A và sữa tắm B. Khi dùng iCheck Scanner, bạn sẽ biết được thông tin sản phẩm gồm tên, giá tham khảo, nhà sản xuất và đặc biệt là những nhận xét của người dùng. Từ đó, bạn có thể chọn ra sản phẩm được đánh giá cao hơn, giá cả chính xác hơn và nhà sản xuất uy tín hơn.
Đặc biệt, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng sẽ bị phát hiện ngay lập tức khi người dùng quét mã EVS QR code do chính Công ty iCheck phát hành. Mỗi mã QR code là duy nhất cho từng sản phẩm vì vậy không thể làm nhái, làm giả. Tem chống giả QR code của iCheck gồm 3 lớp bền vững: mã quản lý, serial và mã ID. Khi mã QR code được quét, người tiêu dùng sẽ biết ngay được liệu sản phẩm là thật hay giả. Vì chỉ có một mã, nên khi mã quét bị trùng, người tiêu dùng sẽ được cảnh báo để tiếp tục mua sản phẩm hay không. Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ có được lợi ích khi sản phẩm của họ được quét. Vị trí quét và thời gian quét sẽ được doanh nghiệp khai thác để thực hiện chiến lược marketing phù hợp cho sản phẩm của mình. Nếu phát hiện hàng giả, doanh nghiệp và nhà sản xuất có thể phối hợp với cơ quan chức năng điều tra để bảo vệ chính quyền lợi của mình và của người tiêu dùng.
Trở lại ba đặc tính của một nền tảng số, đầu tiên iCheck có thể kết nối nhiều nhóm khách hàng hay người dùng khác nhau trên nền tảng của nó. Nhóm thứ nhất chính là người dùng, những người muốn mở ứng dụng iCheck trên điện thoại của họ để chắc chắn rằng món hàng họ mua không phải là hàng giả. Nhóm thứ hai tham gia vào nền tảng là các chủ cửa hàng, họ cũng sử dụng iCheck để đảm bảo hàng mà họ bán cho khách hàng của họ là hàng chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng. Nhóm thứ ba tham gia vào nền tảng chính là các thương hiệu, các nhà sản xuất vì việc hàng hóa họ sản xuất ra có thể được kiểm tra xuất xứ thông qua iCheck chính là một sự đảm bảo về chất lượng trong mắt khách hàng cũng như các chủ cửa hàng, mặt khác nền tảng này còn cho phép nhà sản xuất tương tác với người dùng, thu thập địa chỉ email của người dùng cho các chiến dịch tiếp thị, v.v. Rõ ràng, nền tảng này dựa vào công nghệ số để tạo điều kiện dễ dàng cho các nhóm khách hàng khác nhau tham gia vào nền tảng tương tác trực tiếp với nhau. Các tính năng mới mà iCheck sẽ bổ sung thêm trong thời gian tới càng củng cố thêm đặc điểm thứ ba này của một nền tảng. Ví dụ, người dùng có thể trực tiếp mua hàng trên iCheck (tính năng in-app mall), hoặc tìm các cửa hàng gần nhất bán những sản phẩm mà họ đang tìm kiếm.
Các nền tảng số luôn phải trải qua một giai đoạn “đốt tiền” để thu hút và mở rộng được cơ sở người dùng hay khách hàng ở cả hai hoặc ba phía. Chỉ khi có đủ lượng người dùng ở nhiều phía thì hiệu ứng mạng lưới gián tiếp mới xuất hiện, giúp cho nền tảng phát triển theo cấp số nhân. Ví dụ, Airbnb ở giai đoạn đầu thu hút được rất nhiều khách hàng tải ứng dụng Airbnb về để tìm kiếm phòng giá rẻ, nhưng số lượng chủ nhà (hay người dùng ở phía bên kia) muốn cho thuê phòng lại khá khiêm tốn. Tương tự, một ứng dụng gọi xe nếu chỉ thu hút được nhiều người muốn đi lại bằng các cuốc xe khuyến mại, siêu giảm giá trong khi lại không thu hút được nhiều tài xe tham gia thì chắc chắn sẽ không thể tồn tại lâu được. Với một nền tảng như iCheck, khách hàng sẽ “rủ nhau” tải ứng dụng này về nếu họ có thể kiểm tra được xuất xứ của nhiều loại hàng, nhiều thương hiệu hay nhà sản xuất khác nhau, ngược lại, các thương hiệu cũng “rủ nhau” tham gia nếu họ được tiếp cận với nhiều người dùng thông qua nền tảng này.
Thực tế cho thấy, với một dòng sản phẩm tiêu dùng nào đó, khi một thương hiệu lớn xuất hiện trên iCheck, các thương hiệu lớn khác cũng sẽ có xu hướng tham gia vào nền tảng này, vì bạn sẽ không muốn khi khách hàng dùng ứng dụng này để kiểm tra sản phẩm họ mua tại cửa hàng đầu phố hay tại siêu thị gần nhà và không tìm được thông tin xuất xứ của hàng hóa của bạn trên iCheck.
iCheck là một ứng dụng mang lại rất nhiều lợi ích cho người dùng và nhà sản xuất nhất là trong bối cảnh vấn nạn hàng giả đang làm méo mó thị trường, khiến nhiều doanh nghiệp đến bờ vực phá sản hoặc thương hiệu, danh tiếng của họ bị ảnh hưởng nặng nề. iCheck đang trên lộ trình trở thành một nền tảng số, một siêu ứng dụng, thu hút đông đảo người dùng và cả các thương hiệu lớn từ các ngành hàng khác nhau tham gia, giúp minh bạch hóa thông tin về thị trường, sản phẩm dựa vào các công nghệ mới nhất của thời kỳ 4.0
Nguồn:
- https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tho-phao-mua-hang-chat-luong-bang-ung-dung-icheck-scanner-440272.html?fbclid=IwAR2EppcwsBgA1BbgLBlAbQNhuysQnoXmNltBYJ5Ve219mbtFUV2Xr5gML8w
- https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tho-phao-mua-hang-chat-luong-bang-ung-dung-icheck-scanner-440272.html?fbclid=IwAR1O6CilkbseHZIjTzzk614M9tQuDXjOII1WBttVt0pA7jKY7NItX9WUH3A
- Cải tổ Doanh nghiệp trong Thời đại số. 2019. PACE, Nhà xuất bản tổng hợp TP Hồ Chí Minh
- Cuộc Cách mạng Nền tảng. 2017. Alpha Books, Nhà Xuất bản Công thương
Đọc thêm
- DIỄN ĐÀN QUỐC TẾ Y-DƯỢC THÔNG MINH ( SMART HEALTH VIET NAM 2024) – BƯỚC TIẾN MỚI TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ Y TẾ
- VIETNAM DATAFEST 2024 – CHIẾN LƯỢC DỮ LIỆU CHO PHÁT TRIỂN ỨNG DỤNG TRÍ TUỆ NHÂN TẠO & THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI SỐ NINH BÌNH
- Hội thảo khoa học “CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ CHUYỂN ĐỔI XANH TRONG PHÁT TRIỂN CÁCH MẠNG KHOA HỌC CÔNG NGHIỆP 4.0