VIDTI

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là “cơ hội vàng”

Mỗi một quốc gia có thành công hay không cũng cần “hội tụ” từ hành lang pháp lý, chính sách, giải pháp, kết nối trong hành động – đó là thái độ tích cực, không nhầm lẫn, ngộ nhận. Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ cũng như các tổ chức, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng các giải pháp an ninh thông tin phù hợp mới có thể ứng phó kịp thời với cơ hội cũng như hiểm họa, thí dụ các vụ tấn công mạng.

Viettel giới thiệu sản phẩm tại Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0. Ảnh | TRẦN GIANG

TSKH Phan Xuân Dũng, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (ảnh bên) lý giải về cách mạng công nghiệp lần thứ tư: “Đây là cuộc cách mạng được đặc trưng bởi sự hợp nhất, sự hội tụ đỉnh cao của các lĩnh vực công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy, tích hợp con người – máy móc… là kiểu cách mạng công nghiệp chưa có tiền lệ”. Ông đã trao đổi với Nhân Dân hằng tháng về nội dung này trong môi trường hội nhập của Việt Nam.

Thưa TSKH Phan Xuân Dũng, gần đây một Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh phía nam khi chủ trì hội nghị ở địa phương đã nói: “Có người không hiểu, chẳng biết công nghệ 4.0 là gì cả mà vẫn phát biểu”. Có phải chúng ta đang lạm dụng cụm từ này?

Đúng là bây giờ, người ít đọc báo và xem truyền hình nhất cũng không còn “lạ tai” với cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hay nói gọn là cách mạng công nghiệp 4.0. Vấn đề là trước khi nói, chúng ta hiểu gì về nó? Cách mạng công nghiệp 4.0 không phải “phát kiến” hoàn toàn mới mà cuộc cách mạng công nghiệp “được hình thành trên nền tảng cải tiến của cuộc cách mạng số, với những công nghệ mới như in 3D, robot, trí tuệ nhân tạo, internet kết nối vạn vật (IoT – Internet of Things), S.M.A.C (nền tảng mới nhất của ngành công nghệ thông tin thế giới), công nghệ nano, sinh học, vật liệu mới. Tốc độ phát triển và những đột phá trong cuộc cách mạng công nghiệp này là không có tiền lệ trong lịch sử. Tất nhiên thế giới đang ở giai đoạn đầu.

Có đánh giá cho rằng, đây là cuộc cách mạng không chờ đợi ai mà đang phát triển như vũ bão. Cuộc cách mạng này đang tác động mạnh mẽ đến Việt Nam và chúng ta không thể bỏ lỡ con tàu này. Ông có nhận xét gì về ý kiến này?

Đúng thật, nếu như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây diễn ra với tốc độ theo cấp số cộng thì với cách mạng công nghiệp 4.0 là theo cấp số nhân. Trên các lĩnh vực nói trên, những đột phá công nghệ sẽ diễn ra với tốc độ nhanh và tương tác, thúc đẩy nhau trong một thế giới được số hóa, tự động hóa, thông minh và hiệu quả. Cuộc cách mạng này đang tác động đến chúng ta, không chờ đợi chúng ta mà đang tiến lên như vũ bão. Chúng ta không thể bỏ lỡ con tàu này.

Tức là theo ông, cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra “cơ hội vàng” cho Việt Nam?

Không giống các cuộc cách mạng trước đây thường diễn ra theo xu hướng phát minh mới làm lu mờ phát minh cũ thì ngày nay công nghệ nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo cơ sở cho các công nghệ khác, các ngành khác cùng phát triển. Với xu thế phát triển của khoa học công nghệ, nhiều thành phố lớn trên thế giới đang có những dịch chuyển hướng tới trở thành “thành phố thông minh”. Một số thành phố và địa phương tại Việt Nam cũng đang nỗ lực để bắt kịp xu hướng này. Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử đã được thành lập (theo Quyết định 1072/QĐ-TTg của Thủ tướng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28-8-2018) với tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ trực tiếp. Năm 2019, mục tiêu mà Chính phủ chỉ đạo và Văn phòng Chính phủ nỗ lực thúc đẩy là hoàn thành Trục liên thông văn bản quốc gia, tiến tới là nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu số quốc gia; vận hành hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet); ra mắt Cổng dịch vụ công quốc gia được kết nối, liên thông với tất cả các cổng dịch vụ công của các bộ, địa phương để theo dõi tiến trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Phải nói là Chính phủ và cá nhân Thủ tướng rất quyết tâm với kỳ vọng góp phần thực hiện Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Đó là những hành động kịp thời, thể hiện quyết tâm của Chính phủ “kiến tạo và hành động”. Dù vậy, trên thế giới, ngay cả những quốc gia phát triển ở trình độ cao nhất hiện nay vẫn chưa có đô thị nào được công nhận là “thành phố thông minh”. Nhưng yếu tố 4.0 đã có. Tôi vừa đi công tác qua biên giới giữa Hy Lạp – Bulgary, đây là hai quốc gia còn nghèo trong cộng đồng EU tuy nhiên ở biên giới của họ không còn các lực lượng chức năng như an ninh cửa khẩu, hải quan. Trên đường phố ở thủ đô Liên bang Nga có những đoạn lõm vào trong cho xe dừng, tuyệt nhiên không có cảnh sát, hệ thống camera sẽ báo về trung tâm điều hành để thu tiền đỗ xe… Qua ngã tư đèn tín hiệu giao thông người tham gia giao thông có thể biết về nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn nhưng vẫn chưa được công nhận là đô thị thông minh. Trong lĩnh vực công nghiệp, thế giới hiện chỉ mới có Hãng Siemens đầu tư một nhà máy ở Đức và một nhà máy ở Thường Châu (Trung Quốc) ở trình độ thông minh đạt chuẩn 4.0, giữa robot (vật) và con người có sự liên kết, giữa vật và vật đã liên kết, nhận được sự chỉ đạo của nhau.

Thuận lợi rất lớn nhưng thách thức không đơn giản, vậy theo ông đâu là chìa khóa để Việt Nam phát triển đất nước trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư?

Trong xu thế chung của thế giới, Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc. Trong công nghiệp, đã có những nhân tố mới. Thí dụ, Công ty sữa Vinamilk đã đi đầu, tiên phong trong ứng dụng các thành tựu công nghệ có “yếu tố 4.0”. Trong nhà máy, khi robot gần hết năng lượng nó tự nạp (cắm vào ổ điện và tự rút ra), biết tránh nhau trên đường di chuyển, tự bốc hàng…. Trong dây chuyền không hề có con người. Đó là yếu tố của kinh tế số. Có thể nói, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và sẽ tạo ra năng lực không giới hạn trong mọi lĩnh vực, không chỉ đối với doanh nhân, doanh nghiệp mà trước hết, đối với Chính phủ. Nhận ra điều này, Chính phủ đã và đang có những hành động quyết liệt để xây dựng. Chính phủ số là Chính phủ luôn bên cạnh mỗi người dân. Họ có thể hỏi Chính phủ và Thủ tướng bất cứ điều gì và đều được trả lời. Hệ thống pháp luật, tư pháp cũng tạo điều kiện cho người dân tiếp cận gần hơn với Chính phủ để nêu ý kiến và phối hợp hoạt động. Tuy nhiên, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số không hề đơn giản. Tại các topic của Diễn đàn Kinh tế thế giới, kết quả điều tra của WEF đều khẳng định: Việt Nam là nước nói nhiều nhất đến cách mạng công nghiệp 4.0 nhưng sự chuẩn bị chỉ “xếp hàng” thứ 49.

Như vậy là “cơ hội vàng” vừa ở trước mắt, vừa ở khá xa. Ngay về trình độ khoa học và công nghệ Việt Nam đang có khoảng cách khá lớn so với các nước tiên tiến, liệu chúng ta đã có “cơ hội vàng” trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Dù có khoảng cách thật nhưng không còn con đường nào khác là phải hành động, nhất quán từ Chính phủ đến mỗi người dân, doanh nghiệp và có sự đồng thuận trong xã hội. Về tư duy, Việt Nam phải thay đổi cách tiếp cận với gia tốc đủ lớn. Trong một thế giới hội nhập và kết nối, vấn đề có ý nghĩa then chốt là đầu tư hiệu quả cho khoa học công nghệ, giáo dục và đào tạo nhân lực chất lượng cao. Đó là những thành tố đặc biệt tạo ra năng lực nội sinh, nếu không có, chúng ta khó tiếp cận. Chúng ta đang sống trong một thế giới, một thời đại mà sự phân loại các công nghệ chỉ mang tính tương đối, khó tách biệt nhau bởi bản chất của nó đã tích hợp, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Vì thế mà cách mạng công nghiệp 4.0 còn được gọi là “cuộc cách mạng của sự hội tụ”. Mỗi một quốc gia có thành công hay không cũng cần “hội tụ” từ hành lang pháp lý, chính sách, giải pháp, kết nối trong hành động – đó là thái độ tích cực, không nhầm lẫn, ngộ nhận. Bên cạnh đó, các cơ quan Chính phủ cũng như các tổ chức, doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng các giải pháp an ninh thông tin phù hợp mới có thể ứng phó kịp thời với cơ hội cũng như hiểm họa, thí dụ các vụ tấn công mạng.

Trân trọng cảm ơn ông!

NGÔ ÐỨC HÀNH (thực hiện)

Đọc thêm

Đọc thêm

 

Exit mobile version